Sau khi sinh các mẹ thường có vô vàn thắc mắc liên quan đến vấn đề mẹ và bé. Hiểu được nỗi lo lắng của mẹ, ShinKids tổng hợp chia sẻ với các mẹ các câu hỏi mà mẹ bầu nào cũng thắc mắc sau sinh. Mời các mẹ theo dõi chi tiết phía dưới nhé.
1. Sau sinh có cần kiêng tắm trong tháng đầu tiên?
Câu trả lời là: Không cần
Trong bài trả lời phỏng vấn báo VOV, PGS.TS. Phạm Bá Nha, Trưởng khoa Sản (Bệnh viện Bạch Mai) khuyên:
Theo tôi, sản phụ không nên kiêng tắm và gội đầu trong tháng đầu. Nếu sản phụ không tắm sẽ cảm thấy rất bức bối, khó chịu. Sản dịch ra, mồ hôi, sữa, tế bào bong nếu không vệ sinh, lau rửa sẽ dẫn đến nhiễm trùng cho cả mẹ và em bé. Ngay từ những ngày đầu sau khi sinh cần phải tắm gội.
Ngoài ra, nên có người giúp họ lấy đồ, lau người cho nhanh và đỡ mệt. Khi gội đầu nên dùng đầu ngón tay (không phải móng tay) xoa nhẹ da đầu để làm sạch các tế bào chết và thoáng lỗ chân lông.
Tuy nhiên các mẹ lưu ý thời điểm tắm gội khác nhau giữa mẹ sinh thường và đẻ mổ. Mẹ sinh thường khoẻ mạnh, 24h sau có thể tắm gội (một số bác sĩ khuyên khoảng 3 – 4 ngày sau sinh), với mẹ đẻ mổ cần khoảng một tuần. Cả hai trường hợp nên hỏi trước ý kiến của bác sĩ.
2. Mẹ sau sinh nên tắm gội như thế nào?
Theo bác sĩ Anh Nguyễn chia sẻ. Các bà mẹ sinh thường khỏe mạnh sau sinh có thể tắm bình thường để hạn chế viêm nhiễm đường sinh dục do tăng tiết sản dịch. Tuy nhiên lưu ý 1 số điều sau:
• Tắm bằng nước ấm, có thể dùng sữa tắm
• Thời gian tắm không quá 10 phút
• Phòng tắm nên kín gió
• Có thể gội đầu: nhưng cần gội nhanh và làm khô tóc nhanh
• Tắm xong nên mặc đồ dài, mang vớ chân và không mặc áo ngực
Một số điều lưu ý trên nên giữ ít nhất là 3 tuần sau sinh.
Các bạn sinh thường có vết may ở âm đạo và tầng sinh môi: nên tắm bằng nước ấm, tốt nhất dùng vòi nước chảy dạng tia (không dùng gáo/ca múc nước). Ngoài các lưu ý trên, không nên dùng sữa tắm. Nên dùng nước muối (1 lít nước pha 4 muỗng cafe muối) hoặc dung dịch rửa (do chuyên gia sức khỏe kê) để vệ sinh vùng vết may.
Các bạn sinh mổ: nên đợi 6-7 ngày, và chờ ý kiến của chuyên gia sức khỏe. Có thể dùng khăn thấm ướt và lau người ở các hóc và 1 khăn khô lau lại.
3. Có nên nằm than sau sinh không?
Câu trả lời là: không cần
Bác sĩ Trương Thìn, nguyên Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM trong bài trả lời phỏng vấn với báo Pháp Luật TP.HCM, cho rằng:
Ngày xưa, ở các vùng có thời tiết lạnh như miền Trung và miền Bắc, phụ nữ thường có thói quen dùng than để sưởi ấm sau khi sinh. Phụ nữ mới sinh thường có thân nhiệt thấp, cần được sưởi ấm để khí huyết lưu thông dễ dàng. Tuy nhiên, việc bắt sản phụ “nằm than” bằng cách dùng than củi đốt dưới sàn giường là cách làm đã lạc hậu, không còn phù hợp trong thời đại hiện nay.
Bác sĩ Tạ Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Phụ ngoại – BV Hùng Vương, cho biết thêm:
Việc sưởi ấm cho phụ nữ sau khi sinh là tốt nhưng dùng than củi để sưởi là không nên. Vì than củi khi đốt sẽ thải ra khí CO2, có thể gây ngộ độc cho cả mẹ và con (nhất là với những căn phòng kín mít). Việc dùng than củi khó điều chỉnh nhiệt độ theo ý muốn nên rất dễ gây bỏng cho cả bà mẹ và em bé.
4. Phòng ngủ cần kín gió hoàn toàn?
Câu trả lời là: không đúng
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Thuận, nhiều người cho rằng, gió là thủ phạm chủ yếu gây sốt sản hậu, vì thế phòng của các bà mẹ thường khép kín, che chắn hết các cửa không cho thoáng khí và gió vào.
Kỳ thực thì gió tự nhiên không có tội gì cả. Đây là quan điểm không đúng, vì phòng các bà mẹ nằm cần có gió và thay đổi không khí cũng như ánh nắng chiếu vào giúp cho sự lưu thông không khí tốt, diệt khuẩn, bụi, nấm mốc không thể phát triển được. Nằm thoáng khí khiến cho oxy được cung cấp đầy đủ trong phòng người mẹ.
Sốt sản hậu là do một số vi khuẩn gây bệnh ẩn trong cơ quan sinh dục của bà mẹ gây nên. Điều này thường là do việc trước khi sinh không được khử trùng sạch sẽ hoặc do bà mẹ không chú ý giữ gìn vệ sinh sau sinh. Nếu môi trường trong phòng không sạch sẽ, không khí không trong lành rất dễ khiến cả mẹ và bé mắc bệnh về đường hô hấp.
5. Vết rạch tầng sinh môn bao lâu sẽ lành lại?
Câu trả lời: Khoảng 10 ngày
Nếu kiêng cữ tốt, vết thương sẽ lành trong 10 ngày. Không nên để thời gian (vết thương lành và vết khâu biến mất hoàn toàn) kéo dài hơn 1 tháng. Khi vết thương lành, các mẹ có thể thấy chỉ khâu thừa rơi xuống quần lót.
6. Giảm đau tầng sinh môn như thế nào?
Để giảm bớt sự đau đớn sau khi khâu vết cắt tầng sinh môn, các mẹ nên:
• Thay băng vệ sinh thường xuyên. Rửa sạch tay trước và sau khi thay nó và nên tắm hàng ngày. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ bị nhiễm trùng vết thương
• Các mẹ hãy hỏi người hộ sinh về miếng đệm ngồi lót, có thể mua hoặc thuê. Đó là miếng đệm được thiết kế đặc biệt có thể phồng lên để lót bên dưới khi ngồi, tạo độ kênh với mặt phẳng ngồi và tránh cọ xát vào vết thương.
Miếng đệm luôn tạo cảm giác thoải mái trong khi ngồi hoặc thậm chí là cho con bú, xem ti vi hay ngồi ô tô.
• Tắm bằng nước ấm. Lau nhẹ nhàng chỗ khâu bằng khăn sạch, mềm
• Giữ cho vết thương được thông thoáng, có thể cởi đồ lót và nằm nghỉ ngơi trên giường với một chiếc khăn để bên dưới khoảng 10 phút, mỗi ngày 1-2 lần
• Khi đi tiểu, nên để nước ấm chảy từ từ qua âm đạo giúp làm dịu cảm giác buốt hoặc xót do nước tiểu gây ra
• Uống thuốc đúng giờ và theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Hầu hết các bà mẹ sẽ được kê đơn dùng paracetamol để giảm đau, nhưng không được uống quá liều lượng khuyến cáo cho mỗi ngày. Nếu cần thuốc có tác dụng giảm đau mạnh hơn hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng, đặc biệt với mẹ có trẻ bị sinh non hoặc nhẹ cân, vì một số thuốc không tốt cho bé.
Nếu không có cách nào giúp các mẹ giảm đau thì có thể các mẹ đã bị nhiễm trùng. Nên gặp người hộ sinh hoặc bác sĩ chuyên khoa để họ kiểm tra lại vết khâu và có cách điều trị.
7. Có được xem tivi, sử dụng smartphone, đọc báo, ngồi máy tính không?
Câu trả lời là: nên hạn chế
PGS.TS. Phạm Bá Nha khuyên:
Cuộc đẻ cần một sự gắng sức rất lớn, thêm vào đó sau sinh người phụ nữ có nhiều thay đổi về nội tiết, sinh lý nên họ cần thời gian nghỉ ngơi để được phục hồi. Sau sinh, cơ thể phụ nữ ở trong tình trạng rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường, sức đề kháng kém nên người phụ nữ cần có chế độ nghỉ ngơi và dinh dưỡng phù hợp. Việc ngồi máy tính sớm cũng sẽ ảnh hưởng đến mắt. Việc đọc sách, xem TV, nghe đài, không cần quá kiêng cữ, tuy nhiên không nên xem TV lâu. Đọc chữ nhỏ, không đủ ánh sáng và chỉ làm khi cảm thấy đã thực sự khoẻ mạnh. Có thể nghe đài, TV nghe nhạc nếu mang lại cảm giác thoải mái.
8. Bao lâu thì hết sản dịch?
Sản dịch sẽ giảm dần dần trước khi hết hẳn, quá trình này thông thường phải mất thêm 2 – 4 tuần, mặc dù một số ít phụ nữ vẫn tiếp tục tiết ra sản dịch (một lượng rất ít) hoặc thỉnh thoảng xuất hiện đốm máu trong hơn một vài tuần.
9. Những dấu hiệu cần lưu ý trong thời gian hậu phẫu
Sốt: là phản ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, mẹ cũng có thể sốt do mặc ấm quá mức, nằm than, thiếu nước. Vì vậy mẹ cần uống nhiều nước, nếu mùa nóng nên mặc quần áo thoáng mát, có thể nằm điều hòa, nhưng nên có những phút tắt điều hòa mở cửa cho phòng thông thoáng.
Sản dịch: Dù bạn sinh mổ, sản dịch vẫn sẽ chảy ra ngoài âm đạo như khi sinh thường và đây là dấu hiệu cho thấy tử cung đang hồi phục tốt. Các mẹ cần lưu ý nếu thấy sản dịch không chảy ra sau sinh, sản dịch có mùi hôi hay sản dịch có màu đỏ tươi trở lại, cần phải báo ngay với bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng hậu sản, sót nhau hoặc băng huyết rất nguy hiểm với bà mẹ sau sinh.
Vết mổ sưng đỏ, đau hoặc tiết dịch: Vết mổ là vết thương, do vậy cần giữ khô sạch để tránh nhiễm trùng. Nếu vết mổ sưng đỏ đau hoặc chảy dịch vàng là những dấu hiệu bất thường, mẹ cần đến bệnh viện ngay lập tức.
10. Sản dịch có màu gì và trông như thế nào thì bình thường?
Trong vài ngày đầu tiên sau khi sinh, sản dịch có chứa một lượng máu khá lớn, vậy nên nó có màu đỏ tươi và trông giống một chu kỳ kinh nguyệt. Nó có thể thoát ra liên tục trong các tia phun nhỏ hoặc chảy thành dòng. Nếu mẹ nằm xuống trong một khoảng thời gian và có một lượng máu đã tích tụ trong âm đạo, khi thức dậy mẹ có thể thấy một số cục máu đông nhỏ.
Nếu mọi thứ diễn ra bình thường, mẹ sẽ tiết ra một chút sản dịch mỗi ngày, và từ 2 – 4 ngày sau sinh sản dịch sẽ chảy nhiều hơn và có màu hồng nhạt. Khoảng mười ngày sau sinh, mẹ chỉ nên có một lượng nhỏ chất dịch màu trắng hoặc màu vàng trắng.
11. Bao lâu thì có kinh trở lại
Chu kỳ của phụ nữ thông thường trở lại trong khoảng 6 – 8 tuần sau khi sinh con nếu các mẹ không cho con bú. Nếu cho con bú, khoảng thời gian này có thể lâu hơn. Một số mẹ còn không có kinh nguyệt trong suốt khoảng thời gian cho con bú. Nhưng với nhiều mẹ, chu kỳ này sẽ quay lại sau 2 tháng dù họ có cho con bú hay không.
12. Rụng tóc sau sinh
Rất nhiều bà mẹ bị sốc khi phát hiện mái tóc sau sinh rụng nhiều hơn so với bình thường. Tuy nhiên, đây không phải vấn đề lo ngại mà hoàn toàn bình thường. Hầu hết mái tóc các mẹ sẽ ổn trở lại khi đứa trẻ lên 1 tuổi.
13. Rạn da sau sinh
Các vết rạn trên da sau sinh (thường ở bụng, mông đùi…) sẽ không biến mất, nhưng chúng có thể mờ đi theo năm tháng. Mới đầu các vết rạn có màu hồng, nâu đỏ hoặc tím rồi sau đó chuyển thành màu sáng hơn màu da.
Hiện cũng có rất nhiều loại kem bôi và kem dưỡng mẹ có thể thử để khắc phục nếu như không tự tin với những vết rạn trên da. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm quảng cáo có thể xóa đi vết rạn thực chất chỉ có tác dụng dưỡng ẩm, làm giảm, chưa có bằng chứng nào chứng minh hiệu quả đặc biệt của những loại kem này, hay loại nào dùng tốt hơn loại nào.
14. Tại sao mẹ sau sinh hay khóc hay buồn?
Cảm giác buồn buồn là điều bình thường trong vài tuần đầu sau khi mẹ sinh em bé. Trên thực tế, có đến 80% phụ nữ mới làm mẹ gặp phải hiện tượng này và chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Tuy nhiên nếu mẹ tiếp tục có cảm giác như vậy trong hơn 2-3 tuần kế tiếp, hãy gọi cho bác sĩ để được hỗ trợ về mặt chuyên môn.
15. Trầm cảm sau sinh
Đầu tiên có thể thể hiện qua sự buồn bã, những dấu hiệu và triệu chứng đó diễn ra với cường độ mạnh hơn và kéo dài, cuối cùng ảnh hưởng tới việc chăm sóc em bé và xử lý các công việc hàng ngày khác. Các triệu chứng trầm cảm sau sinh có thể bao gồm:
• Mất cảm giác ngon miệng
• Mất ngủ
• Cáu kỉnh và tức giận dữ dội
• Mệt mỏi kéo dài
• Mất hứng thú tình dục
• Thiếu niềm vui trong cuộc sống
• Cảm giác xấu hổ, cảm giác tội lỗi hoặc vô dụng
• Tâm trạng biến đổi nghiêm trọng
• Khó khăn khi âu yếm bé
• Trốn tránh khỏi gia đình và bạn bè
• Có suy nghĩ làm hại bản thân hoặc đứa con
Nếu mẹ đang gặp khó khăn trong việc đối phó với chứng trầm cảm sau sinh trong gia đình, hãy nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa.
16. Bố có khả năng bị trầm cảm sau sinh không
Câu trả lời là: có thể
Nhìn chung, cứ mười người bố lại có một người mắc phải chứng trầm cảm sau sinh (PND). Trầm cảm sau sinh có nhiều khả năng ảnh hưởng đến người bố (và các bà mẹ) hơn trong năm đầu đời của đứa trẻ.
Các nghiên cứu cần phải được thực hiện nhiều hơn nữa để giúp tìm ra nguyên nhân khiến các ông bố dễ mắc phải chứng trầm cảm sau sinh. Nhưng từ những nghiên cứu cho đến nay, các chuyên gia cho rằng dưới đây là nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm sau sinh
• Cảm thấy rất lo lắng hoặc trầm cảm suốt thai kỳ
• Gặp vấn đề về giấc ngủ khi có em bé
• Em bé khóc rất nhiều
• Là cha của cặp song sinh
17. Khám lại sau sinh
Việc tái khám sau sinh (thường được thực hiện trong khoảng 6 tuần đầu) là để chắc chắn sự hồi phục sau sinh của các mẹ vẫn diễn ra tốt đẹp sau khi đã trải qua quá trình mang thai và sinh nở.
Một số sản phụ rất ngạc nhiên hoặc thậm chí còn thất vọng về tính chất “quá nhanh gọn” của việc khám hậu sản và không có sự chi tiết, tưởng chừng như hơi qua loa.
Vì vậy, để cho buổi tái khám thật sự hữu ích với mình, các mẹ nên chuẩn bị những thắc mắc hay băn khoăn trước khi đi khám để hỏi bác sĩ. Thậm chí nếu sợ quên do bận rộn hoặc quá mệt mỏi với những công việc sau sinh, các mẹ có thể ghi chúng vào tờ giấy và mang theo.
18. Bí tiểu sau sinh
Có tỉ lệ khoảng 15% mẹ sau sinh bị bí tiểu. Cách xử trí như sau:
Đầu tiên sản phụ cần tập đi tiểu để tạo lại phản xạ tự nhiên, kết hợp với chườm ấm vùng bụng dưới rốn, uống nhiều nước. Nếu tình trạng không cải thiện sản phụ cần đến cơ sở y tế, bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể như cho dùng thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn, thuốc kháng viêm chống phù nề và nguyên tắc sau cùng hỗ trợ tăng cường trương lực bàng quang giúp khả năng co bóp bàng quang trở lại bình thường…
Để phòng tránh, sau khi sinh, người mẹ cần sớm vận động nhẹ nhàng, tập rặn tiểu bình thường theo tư thế tiểu tự nhiên. Không nên lo sợ đau đớn đối với vết khâu tầng sinh môn mà nín tiểu. Uống nhiều nước, vệ sinh vùng vùng kín sạch sẽ bằng nước sạch và dung dịch rửa vệ sinh phụ khoa (được chỉ định bởi bác sĩ). Luôn luôn giữ khô vùng kín, tránh nhiễm khuẩn vết khâu tầng sinh môn.
19. Mẹ sinh mổ ăn uống như thế nào?
Sau khi mổ, các mẹ sẽ được theo dõi tại phòng hồi sức và nằm ở đó theo dõi, không được phép ăn gì trong vòng 6 tiếng. Bác sĩ Song Hà cho biết:
Do các thuốc dùng trong quá trình phẫu thuật làm nhu động ruột và dạ dày của các mẹ hoạt động ở mức độ thấp và yếu. Nếu có thức ăn sẽ rất khó tiêu làm bụng đầy hơi, hoặc táo bón, gây rối loạn tiêu hóa làm cơ thể mệt mỏi khó hồi phục.
• Đối với các mẹ gây mê trong quá trình mổ chỉ nên uống nước lọc, nước đường, ăn cháo loãng cho tới khi đi trung tiện mới bắt đầu ăn đặc, không uống sữa ngay vì dễ gây tiêu chảy.
• Đối với các mẹ gây tê khi mổ, có thể ăn cháo loãng, nếu thấy tiêu hóa tốt có thể chuyển sang ăn cơm.
Sau những ngày đó, các mẹ ăn uống như bình thường, không nên kiêng khem. Bổ sung thức ăn giàu đạm và canxi, ăn trái cây, uống nhiều nước để có nhiều sữa cho con bú và tránh táo bón. Nên ăn đa dạng các thức ăn giàu dinh dưỡng như đạm đường, chất sắt, rau củ quả nấu chín và tránh một số thức ăn hay gây dị ứng như các loại hải sản… Ăn đa dạng thức ăn không những giúp vết mổ mau lành mà còn giúp cung cấp dồi dào lượng sữa cho bé bú.
20. Thực phẩm giúp mẹ lợi sữa (nhiều sữa)?
Tiến sĩ Tạ Thị Tuyết Mai (Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân dân Gia định) cho biết:
Những thực phẩm giúp mẹ lợi sữa gồm có rau thì là, cỏ methi, mè (vừng), tỏi (tuy nhiên không nên ăn quá nhiều vì có thể ảnh hưởng đến mùi sữa), cà rốt, đu đủ xanh, đậu đen, nghệ, gừng, ngò rí (mùi ta), móng giò… Bản chất của thực phẩm lợi sữa là chứa nhiều phyto oestrogen, an thần thực vật, strerol thực vật, tryptophan. Khi ăn những thực phẩm này, cơ thể mẹ sẽ giải phóng Oestrogen và Prolactin, từ đó tiết ra sữa nhiều hơn.
21. Ăn nhiều cháo móng giò có lợi sữa không?
Câu trả lời là: không đúng
Bác sĩ Nguyễn Đức Thuấn – Nguyên trưởng khoa Sản II – BV Phụ sản Trung Ương trả lời Tạp Chí Bầu cho biết:
Ăn nhiều cháo móng giò chẳng những không có tác dụng lợi sữa mà còn là nguyên nhân gây tắc tia sữa, béo phì cho các mẹ sau sinh.
22. Không nên ăn gì sau sinh?
Theo bác sĩ Anh Nguyễn, một số thực phẩm sau là nên tránh sau sinh, ít nhất là 3 tháng sau sinh:
• Nên tránh hải sản, đặc biệt loài nhuyễn thể có 2 mảnh vỏ vì nguy cơ dị ứng và nhiễm khuẩn cao. Có thể ăn cá, mực, tôm, cua. Lưu ý tôm cua là chỉ ăn thịt trắng, bỏ rạch.
• Chỉ nên dùng 2 bữa cá thu hoặc cá hồi/tuần. Do đó, mẹ được khuyên dùng bổ sung thêm chất béo omega-3 để tiết đủ vào sữa giúp bé phát triển não bộ trước 6 tháng tuổi.
• Để hạn chế tạo khí gas cho bé, mẹ cũng khuyên ăn ít các loại quả như cam, quýt, bưởi ít nhất 3 tháng đầu sau sinh. Mẹ có thể ăn xoài và đu đủ để cung cấp nguồn vitamin thêm vào.
• Mẹ nên tránh tuyệt đối trà/cafe, thuốc hút, chất béo trans-fat từ thức ăn nhanh, hạn chế ăn những thực phẩm màu sặc sỡ do có hóa màu, hạn chế mì gói, đồ hộp, hạn chế ăn kẹo và bánh có nhiều đường. Tất cả các thực phẩm này đều làm chất lượng sữa thay đổi, và làm bé gặp nhiều vấn đề tiêu hóa, đi phân sệt và có thể biếng bú.
• Tránh các thực phẩm có mùi (như quá nhiều tỏi (> 2 tép tỏi/món ăn), thức ăn có vị cay nồng (vị chua thì chấp nhận được). Tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến chất lượng và mùi vị sữa.
23. Mẹ nên ăn gì để có sữa tốt cho bé bú?
Để giúp phát triển trí não của trẻ, mẹ nên tăng cường ăn các dưỡng chất có ích cho não và mắt bé, đó là những thực phẩm giàu omega 3 (DHA) như cá chích, cá mòi, cá hồi, cá thu (giới hạn 2 bữa / tuần), có thể uống bổ sung viên dầu cá 1g mỗi ngày, hoặc ăn rong biển, đậu nành, những nguồn rất giàu omega thực vật.
Mẹ nên ăn những thực phẩm giúp tăng hệ miễn dịch cho trẻ, đó là những nguồn thực phẩm có tính chống oxy hóa cao. Những rau quả tươi giàu flavonoid thường có lá màu xanh như cải, xà lách, bó xôi; những rau quả tươi giàu carotenoid thường màu vàng, như: đu đủ, mơ, cà rốt.
Tăng nguồn chất xơ có vai trò prebiotic như tỏi, chuối, măng tây, hành tây, chất xơ tan như táo, cam, cà rốt, đại mạch. Ăn sữa chua để có trực khuẩn lactobacillus.
24. Mẹ ít sữa sau sinh phải làm thế nào?
Th.S, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi (Viện dinh dưỡng Lâm sàng) cho biết:
Không có chuyện người có cơ địa ít sữa hay nhiều sữa. Mẹ có đủ sữa cho con bú cần phải có chế độ ăn uống hợp lý, cho con bú đúng cách để sữa tiết ra. Có một số trường hợp mẹ bị mất sữa hoặc ít sữa đôi khi liên quan tới việc dùng thuốc kháng sinh.
Mẹ sinh mổ vẫn nên cho con bú bình thường. Trẻ mút đầu ti sẽ kích thích cho sữa về nhanh hơn. [17]
Trong trường hợp mẹ sinh mổ xong không có sữa ngay, hoặc sinh xong quá mệt mỏi… người nhà nên bồi bổ cho mẹ để sữa nhanh về. Nếu như mẹ chưa có sữa ngay mà đứa trẻ có nhu cầu ăn, cách tốt nhất là nên xin sữa của các bà mẹ bên cạnh để chờ đợi sữa về.
25. Đau núm vú, nứt đầu ti (nứt cổ gà)
Theo bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Bích Hà – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc:
Nguyên nhân của hiện tượng này thường do không cho trẻ bú sớm, không cho bú đúng cách, vệ sinh “núi đôi” không tốt. Dấu hiệu để nhận biết là đầu vú có những vết nứt, vết rạn nhỏ trên bề mặt, vết loét ở đầu vú hay chân núm vú. Toàn bộ núm vú bị đỏ rực, chảy máu và đau rát mỗi khi cho bú.
Xử trí: Chị em cần giữ khô, để hở, bôi mỡ. Tạm ngưng cho bú bên vú bệnh (6 – 12 giờ), để hở vú ra ngoài, vắt sữa bằng tay, tiếp tục cho bú bên vú lành. Đảm bảo trẻ ngậm đầu vú đúng cách. Ngoài ra, sau mỗi lần trẻ bú, mẹ nên vắt một ít sữa bôi xung quanh núm và đầu vú sẽ rất nhanh chóng liền vết nứt.
26. Trẻ sơ sinh bú mẹ kèm thêm sữa công thức có tốt không?
Câu trả lời là: không nên
Bác sĩ Lê Thị Thu Hà trả lời:
Trong những tháng đầu sau sinh người mẹ nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn (không cho uống nước hoặc uống sữa ngoài). Vì trong sữa mẹ có nhiều thành phần dinh dưỡng với tỷ lệ phù hợp hệ tiêu hóa của trẻ, bên cạnh đó còn có kháng thể giúp trẻ chống lại những bệnh nhiễm trùng, có hàm lượng vitamin A giúp mắt trẻ tốt hơn.
Bé được bú sữa mẹ cũng ít bị táo bón, tăng cân nhanh, phát triển tốt về trí não và cảm xúc, người mẹ đỡ tốn kém tiền mua sữa ngoài… Ngoài ra, cho bú mẹ hoàn toàn còn là một biện pháp ngừa thai tự nhiên. Do vậy nếu có thể được bạn nên cho con bú hoàn toàn sữa mẹ trong những tháng đầu sau sinh.
27. Sau sinh mổ bao lâu có thể có thai lần nữa?
Câu trả lời là: 2 năm
Theo bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung – phòng khám sản khoa Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, bà gặp nhiều trường hợp chị em phụ nữ có câu hỏi như thế. Bà Dung cho biết:
Thường thì phụ nữ sau sinh mổ được bác sĩ khuyến cáo nếu muốn có thai, nên có thai lại sau ít nhất 2 năm, thời điểm sớm hơn sẽ không tốt có thể gây bục vết mổ cũ.
28. Mẹ bị cảm cúm – có nên tiếp tục cho con bú?
Câu trả lời: có thể và nên
Mẹ nào bị cảm cúm vẫn có thể và nên tiếp tục cho con bú sữa mẹ – theo gợi ý của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (U.S Centers for Disease Control and Prevention – CDC)
CDC cho hay, trên thực tế, một trong những việc tốt nhất mà chúng ta có thể làm để bảo vệ con yêu là cho con bú sữa mẹ.
Lý do là vì sữa mẹ có chứa các kháng thể – chính là những protein đặc biệt giúp chống lại các loại virus và vi khuẩn.
Trong khi hệ miễn dịch của con vẫn đang trong giai đoạn phát triển và dần hoàn thiện, con cần những dưỡng chất cần thiết có trong sữa mẹ để hình thành nên những loại kháng thể này.
29. Mấy tháng thì trẻ uống được nước
Câu trả lời là: 6 tháng tuổi
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng việc cho trẻ sơ sinh uống nước trước 6 tháng tuổi là không tốt.
Quá nhiều nước có thể khiến dạ dày của bé bị căng đầy, giảm nhu cầu thèm bú và cản trở việc hấp thu chất dinh dưỡng từ sữa. Nhấp một ngụm nước nhỏ cũng có thể không gây hại cho trẻ nhỏ nhưng vẫn cần tham khảo lời khuyên của các chuyên gia tư vấn trước khi cho trẻ uống nước trước 6 tháng tuổi.
30. Trẻ bú sữa mẹ đến tháng thứ mấy có thể ăn dặm?
Câu trả lời là: hết tháng thứ 6
Bác sĩ Lê Thị Thu Hà trả lời:
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, các bà mẹ nên cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh. Và kể từ tháng thứ 7 trở đi nên cho bé ăn dặm vì lúc này nguồn sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho trẻ.
Nếu cho bé dăn dặm quá sớm, hệ tiêu hóa của bé chưa thích nghi dễ gây hội chứng kém hấp thụ, bé bị tiêu chảy, đầy bụng và sẽ khó lên cân. Ngược lại nếu cho bé ăn dặm quá muộn thì lượng sữa mẹ lúc này không cung cấp đủ năng lượng cho trẻ và bé cũng lại không tăng cân.
Ban đầu nên cho bé ăn dặm bột hoặc cháo hơi loãng và sau đó đặc dần, khi bé quen thì tăng dần lượng và chất. Nên thay đổi các loại thực phẩm để tránh hiện tượng chán ăn.
Lời kết
Trên đây là những câu hỏi mà ShinKids tổng hợp được chia sẻ lại cho các mẹ sau sinh. Chúng tôi sẽ liên tục cập nhật những thắc mắc của các mẹ để giải đáp nhiều nhất có thể. Nếu như các mẹ có câu hỏi nào khác đừng ngần ngại hãy để lại comment phía dưới bài viết này để được giải đáp nhanh nhất. ShinKids hân hạnh được đồng hành cùng ba mẹ suốt chặng đường chăm sóc, nuôi dạy con trẻ.